Chăn nuôi gà vốn là một nghề truyền thống có từ lâu đời ở nước ta song nó chỉ thực sự phát triển và trở thành ngành hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong những năm gần đây, nhờ có nghề nuôi gà mà ta có thể tận dụng được nguồn nhân lực dôi dư tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con.
Hiện nay, đa số bà con đã biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, xây dựng chuồng trại hiện đại, sử dụng máy móc tiên tiến trong quá trình chăn nuôi như sử dụng máy chế biến thức ăn giúp tiết kiệm nguồn nhân lực, sử dụng máy ấp trứng để có thể đạt tỷ lệ nở cao và đồng đều, nguồn giống đảm bảo hơn (tùy mô hình chăn nuôi mà bà con có thể sử dụng máy ấp trứng công nghiệp hoặc máy ấp trứng mini).. Nhưng cũng do sự phát ồ ạt của mình cộng với môi trường khí hậu biến đổi phức tạp kéo theo nhiều loại dịch bệnh làm ảnh hưởng không nhỏ tới bà con. Bài viết dưới đây chúng tôi đề cập đến 1 số loại bệnh thường gặp ở gà nhằm giúp bà con có thể nhận biết và có biện pháp phòng chống bệnh nhanh chóng, hiệu quả.
I. Một số bệnh thường gặp ở gà
Bệnh newcastle (gà rù)
1. Đặc điểm
– Bệnh phát ra quanh năm nhưng thường tập trung vào mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi của gà, bệnh phát nhanh, lây lan rộng, tỷ lệ chết cao, điều trị tốn kém, không hiệu quả.
– Gà ủ rũ, xù lông, cánh xệ, không ăn hay chui đầu vào cánh, rút cổ nhắm mắt, đứng gật gù cho nên còn gọi là bệnh gà rù. Gà ăn không tiêu, diều căng đầy hơi, mũi miệng chảy đầy dịch nhờn keo, thở khò khè bại liệt. Phân loãng màu trắng xanh, mùi tanh gà kiệt sức dần rồi chết. Những con mắc bệnh kéo dài ở thể mãn tính thì có triệu chứng thần kinh co giật, quẹo cổ, đi thục lùi hoặc đi bằng đầu gối, mổ không trúng thức ăn. Bệnh tích chủ yếu của bệnh này là xuất huyết ở dạ dày tuyến.
2. Biện pháp phòng trị
– Khi cá thể gà đầu tiên có dấu hiệu mắc bệnh nhanh chóng đưa vaccin Lasota vào cho toàn đàn gà kể cả đàn gà vừa mới được làm vaccin.
– Tiến hành vệ sinh khử trùng chuồng trại máng ăn, máng uống, môi trường xung quanh.
– Bổ sung thuốc bổ và chất điện giải nâng cao sức đề kháng cho con vật.
– Sử dụng kháng sinh phổ rộng tránh nhiễm trùng kế phát.
– Sau khi hết liệu trình sử dụng kháng sinh thì cho con vật uống thuốc giải độc gan thận nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Bệnh tụ huyết trùng(toi gà)
1. Đặc điểm
-Bệnh thường xảy ra ở gà giò và gà lớn và cũng phát triển mạnh vào những lúc giao mùa (từ mưa chuyển sang nắng hay ngược lại). Bệnh xảy ra đột ngột, lây lan nhanh và thường gây chết nhiều về đêm, có trường hợp gà đang ấp nằm chết trên ổ.
– Gà ủ rũ, kém hoặc bỏ ăn, mồng tím tái, miệng chảy nhiều dịch nhờn, thức ăn không tiêu, tiêu chảy phân trắng đôi khi có lẫn máu, thở khò khè, bại liệt rồi chết. Bệnh kéo dài, mào và yếm sưng, gà tiêu chảy, sưng khớp. Mổ gà thấy: tích nước màng bao tim, xuất huyết mỡ vành tim, bao tim; gan sưng, có những nốt hoại tử màu trắng như hạt phấn.
2. Biện pháp phòng trị
Vệ sinh khử trùng chuồng trại máng ăn máng uống. Dùng kháng sinh dòng Enrofloxaxin, Neomycin, Streptomycin để điều trị. Bổ sung chất điện giải, B-complex vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Bệnh CRD – Hen gà
1. Đặc điểm
Bệnh do Mycoplasma gây ra với các dấu hiệu như gà khó thở, thở có tiếng rít khi rướn cổ để thở. Gà chậm lớn hay vẩy mỏ. Nếu ghép với bệnh E.coli gà sẽ bị tiêu chảy kéo dài.
2. Biện pháp phòng trị
Đầu tiên tiến hành vệ sinh khử trùng thường xuyên khu chăn nuôi. Sau đó dùng kháng sinh Tylosin kết hợp với Doxycyline liên tục trong 5 ngày kết hợp dùng vitamin, điện giải và men tiêu hóa cho con vật.
Bệnh tiêu chảy do E.coli
1. Đặc điểm
– Gà con: gà ủ rũ, bỏ ăn, sốt cao, tiêu chảy phân trắng dễ nhầm với bệnh bạch lỵ.
– Gà lớn: gà ốm, chết rải rác, xác chết gầy.
– Gà đẻ: giảm năng suất chất lượng trứng do buồng trứng bị viêm.
2. Biện pháp phòng trị
– Thực hiện ngay việc sát trùng tiêu độc chuồng để giảm thiểu mầm bệnh trong chuồng, tránh nhiễm bệnh kế phát.
– Thực hiện cùng lúc các biện pháp sau:
+ Bù nước: làm giảm mất nước và tăng cường giải độc sẽ có kết quả tốt Vime C Electrolyte 1g /2-4 lít nước hoặcElectrosol 1ml/ 1 lít nước.
+ Kháng sinh: Chọn 1 trong các loại kháng sinh đặc hiệu với dòng vi khuẩn E.coli (do E.coli rất nhanh lờn thuốc).
+ Thuốc tiêu viêm: Tăng sức đề kháng, con vật nhanh hồi phục.
Bệnh cúm gia cầm
1. Đặc điểm
+ Gà sốt cao, uống nhiều nước.
+ Mào thâm tím, tụt mào hoặc xoăn lại.
+ Viêm sưng phù đầu mặt, gà khó thở, há mỏ để thở.
+ Tiêu chảy phân xanh, phân vàng đôi khi lẫn máu.
+ Chân gà bị xuất huyết rất rõ.
2. Biện pháp phòng trị
+Tiêu hủy toàn đàn khi phát hiện bệnh
+Phòng bệnh là biện pháp duy nhất hạn chế dịch bệnh xảy ra
Bệnh giun đũa
1. Đặc điểm
– Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi của gà, nhất là gà con và gà dò, gây thiệt hại lớn nhất cho đàn gà nuôi gia đình
– Trứng do giun cái sống trong ruột đẻ ra và được bài tiết theo phân ra ngoài, có khả năng hình thành ấu trùng cảm nhiễm là 5 – 25 ngày. Gà ăn phải trứng giun ở giai đoạn cảm nhiễm có lẫn trong thức ăn, nước uống vào cơ thể hoặc gà ăn giun đất có nhiễm trứng giun đũa.
– Gà kém ăn hoặc ăn chậm lớn hay tiêu phân lỏng, sau đó có hiện tượng thiếu máu, mào nhợt. Mổ khám: thấy giun trong ruột, niêm mạc sưng, tụ huyết và xuất huyết.
2. Biện pháp phòng trị
– Gà nuôi nhốt cần giữ chuồng luôn khô sạch, hàng ngày phải dọn phân cho vào hố ủ. Cần cho gà ăn uống đầy đủ, máng ăn, máng uống rửa sạch.
– Sử dụng mốt số loại thuốc sau để trị bênh cho gà:
+ Piperazin liều 200-250 mg/kg thể trọng, liên tục 2-3 ngày
+ Tetramisol liều 40 mg/kg thể trọng.
+ Levamisol liều 20-30 mg/kg thể trọng.
+ Mebendazol liều 40 mg/kg thể trọng.